Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Từ bóng rổ sang bắn cung và tấm vé Olympic bất ngờ

9 lượt xem

Đỗ Thị Ánh Nguyệt (2001) là một trong 16 vận động viên Việt Nam sẽ tranh tài tại Olympic Paris 2024. Đây là lần thứ hai cô nàng xuất hiện tại Thế vận hội – điều mà không nhiều vận động viên Việt Nam có vinh dự được trải qua.

Suất dự Olympic Paris 2024 là một bất ngờ với ngay cả Ánh Nguyệt. Cô chỉ biết tin khi lướt mạng xã hội trong giờ ăn trưa

“Mình chỉ muốn ngất đi vì sung sướng khi giành được tấm vé quý giá như thế”, Ánh Nguyệt chia sẻ trong series Hot girl of the month của Mansion Sports Việt Nam. Theo tính toán của cô cũng như huấn luyện viên khi đang thi đấu giải vòng loại cuối cùng, Ánh Nguyệt chỉ xếp hạng 6 (phải top 5 mới được dự Olympic).

 

Cung thủ 23 tuổi kể lại: “Mọi người ở nhà cũng sốt sắng, lúc nào cũng hỏi mình có vé Olympic chưa. Ban đầu mình chưa được nên là buồn lắm, không muốn nghe điện thoại từ nhà gọi sang.

Hôm đấy mình vừa thi đấu về, rất là mệt, lại lệch múi giờ so với ở nhà. Lúc đầu, mình chỉ muốn đi ngủ thôi, nhưng khi biết tin thì không thể ngủ được mà gọi ngay về nhà. Mình hét lên “Ông bà ơi, bố mẹ ơi con có vé rồi”.”

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước… khởi đầu. Đến Olympic là một chuyện, thi đấu ra sao ở sân chơi đẳng cấp cao nhất của thể thao thế giới lại là việc khác. Ánh Nguyệt thẳng thắn thừa nhận rằng khả năng cạnh tranh huy chương là rất thấp. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là cô chỉ đến Paris dạo chơi cho vui.

“Đến được đó để học hỏi cũng là niềm hạnh phúc và vinh dự đối với bản thân mình. Chẳng ai nói trước được gì cả. Có huy chương hay không thì làm sao biết trước được. Có thì vui, không thì vẫn là bài học quý giá”, Ánh Nguyệt tâm sự.

Có lẽ tấm vé dự Olympic lần thứ hai là cột mốc quan trọng để cô gái Đỗ Thị Ánh Nguyệt vững tâm vào chặng đường sự nghiệp từng có lúc lung lay. Giữa 2 kỳ Thế vận hội, thành tích của cô nàng không phải lúc nào cũng ổn định.

Ánh Nguyệt tâm sự rằng bản thân từng rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý thi đấu, đến mức không dám bắn vì quá áp lực. Đến bây giờ, cung thủ sinh năm 2001 đã tạm xua đi được những suy nghĩ mông lung về năng lực và không còn nghi ngờ sự lựa chọn của chính mình năm xưa.

Đó là năm Ánh Nguyệt còn học lớp 9. Cô nàng mê Sơn Tùng MTP, có ước mơ làm ca sĩ quyết định sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp chỉ vì… giận dỗi bố mẹ không có điều kiện cho đi học thêm.





“Đang ở nhà chơi sướng mà đến đây tập những bài thể lực rất mệt đấy thì chỉ muốn đi về. Có nhiều lúc bọn mình tập đến mức như ngất ở trên sân, thở không ra hơi”, cô nhớ lại những ngày đầu. Đến khi bắt đầu thích nghi được thì các thầy lại khuyên Ánh Nguyệt… chuyển sang môn khác.

“Mình khóc khá nhiều, rất buồn và chỉ muốn đi về. Các thầy bảo cứ thử đi, mình hợp môn đấy thì tội gì không thử sức. Mình suy nghĩ, nhớ lại lời hứa với gia đình trước khi đi theo thể thao. Rồi mình quyết tâm là sẽ thử sức ở môn bắn cung”, Ánh Nguyệt kể lại

Từ một môn thể thao tập mệt đến ngất chuyển sang môn chỉ đứng một chỗ có sự khác biệt lớn. Đầu tiên là trạng thái “cuồng tay, cuồng chân”. Rồi cả vấn đề tâm lý. 



 

Cô chia sẻ: “Mình khóc nhiều hơn. Tập bóng rổ mệt vẫn chịu được còn bây giờ vừa mệt về thể chất, vừa mệt về tinh thần. Ban đầu mình nghĩ là môn này chẳng mệt đâu, nhưng hóa ra còn mệt hơn”.

Hỏi Ánh Nguyệt có khi nào hối hận về lựa chọn có phần bốc đồng của mình năm xưa hay không, cô nàng lắc đầu dứt khoát. Dù có lúc lo lắng, nghĩ ngợi nhiều về sự nghiệp, Ánh Nguyệt vẫn tin là mình chọn đúng. Tấm vé dự Olympic Paris 2024 giúp cô khẳng định điều đó.

“Mình thấy lựa chọn của bản thân đến bây giờ rất đúng đắn. Không có thể thao, mình sẽ không được như bây giờ. Đi nhiều nơi, kiếm ra tiền và mở cho mình con đường mới, cuộc đời mới”, nữ cung thủ chia sẻ.



Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt nói vui rằng ngày nào cô cũng cầm trên tay cả trăm triệu đồng. Đó chính là giá trị của cây cung thi đấu mà mỗi vận động viên được cấp và có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc hằng ngày. Theo chia sẻ của Đỗ Thị Ánh Nguyệt, cây cung mà cô đang sử dụng – cũng chính là công cụ sẽ cùng nữ VĐV này “chinh chiến” ở Olympic Paris 2024 – có giá đến gần 100 triệu đồng.

“Ngoài ra, một bộ tên 12 mũi khoảng tầm trên 1 triệu mỗi cái. Mỗi lần bắn xong phải đi thu lại. Tên hỏng thì bỏ ra ngoài. Mỗi lần bắn có thể bay luôn 1 triệu. Nhưng mà trong lúc tập để bắn được hỏng tên thì động tác của mình phải tốt lắm, mũi tên chạm vào nhau thì mới hỏng được. Mỗi lần hỏng tên là vừa vui vừa buồn”, Ánh Nguyệt chia sẻ.

Điểm khó nhất đối với một cung thủ là làm thế nào để giương được cây cung nặng hơn 20kg bằng một tay, 10 lần như một. Ánh Nguyệt nói đùa rằng từ khi biết giá trị của cây cung, tự nhiên lại thấy nó nặng thêm một chút.

“Khi bắt đầu vào bắn cung, điều đầu tiên bọn mình tập là động tác tay trước, rồi đến các bài thể lực, tập vai để làm sao kéo được cây cung tốt nhất. Mới đầu bọn mình không được biết giá của những cây cung đó. Đến khi biết được rồi thì tự thấy trân trọng cây cung của mình hơn”, nữ VĐV sinh năm 2001 chia sẻ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Video nổi bật+ Xem tất cả

Tin mới hơn