Thành tích cao nhất tại sân chơi danh giá nhất châu Âu của PSG là ngôi á quân mùa 2019/20, khi họ thua Bayern Munich 0-1 trong trận chung kết. Còn Man City không những đã vô địch Champions League, mà còn giành cú ăn ba lịch sử – giấc mơ chưa thành của đội chủ sân Parc des Princes. Trong khi người ta gọi Man City là đại gia châu Âu, thì PSG vẫn là “gã trọc phú chưa biết tiêu tiền”.
Với giới chủ PSG, “thua Real Madrid còn dễ chịu hơn là thua Man City”. Cuộc đụng độ giữa họ rạng sáng mai (23/1) là trận cầu tâm điểm của lượt trận thứ 7. Cả hai đều chưa chắc chắn được vào vòng play-off tranh vé vớt vào vòng 1/8. Tất nhiên, ngoài những diễn biến kịch tính trên sân Công viên các Hoàng tử, thì PSG vs Man City còn là cuộc đối đầu vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá giữa hai giới chủ Trung Đông hùng mạnh, một bên của người Qatar và một bên của người UAE.
- Nhận định bóng đá PSG vs Man City, 03h00 ngày 23/1
Cuộc đọ sức giữa hai đội bóng được truyền thông của các quốc gia Vùng Vịnh gọi là “Golfico”- tinh hoa của cuộc cạnh tranh khu vực giữa Qatar và Abu Dhabi, chủ sở hữu của PSG và Man City. UAE gồm 7 tiểu vương quốc: Abu Dhabi, Dubai, Shardja, Umm Al-Qaiwain, Ajman, Ras Al-Khaima, Foujeyra; trong đó Abu Dhabi là thủ đô, đứng đầu với Saudi Arabia. Từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2021 xảy ra việc họ phong tỏa Qatar, gồm đóng cửa biên giới đường bộ, đường hàng không và trên biển với Qatar, tẩy chay các doanh nghiệp của quốc gia này.
Ban đầu, vào năm 1971, Qatar từ chối trở thành tiểu vương quốc thứ tám của UAE. Điều này khiến UAE tức giận và theo thời gian, nước này đã tự giải phóng khỏi sự giám hộ của Saudi Arabia. “Vì thế, luôn có sự ghen tị, thù địch giữa những người anh em”, Pascal Boniface – giám đốc Viện quan hệ chiến lược và quốc tế (IRIS) – chia sẻ.
Sự ghen tị, thù địch này đã lan sang bóng đá. Nó bắt đầu với việc World Cup được tổ chức ở Qatar vào năm 2022 và Saudi Arabia vào năm… 2034, mà người Qatar đang thắng thế sau khi tổ chức thành công kỳ World Cup mùa đông đầu tiên. Tiếp đó là cuộc cạnh tranh xem ai sẽ vô địch Champions League trước, và UAE đã thắng sau khi Man City đánh bại Inter 1-0 ở trận chung kết năm 2023. Trong các cuộc đối đầu trực tiếp với PSG kể từ khi hai CLB sang tên đổi chủ, Man City cũng dẫn đầu với 4 trận thắng, 1 trận hòa và chỉ 1 thất bại sau 6 lần đụng độ. Còn nếu tính từ lúc PSG vẫn còn thuộc sở hữu của Canal Plus thì là 7 trận, với 4 thắng, 2 hòa và 1 bại cho Man City.
Đối với PSG, thua Real Madrid còn dễ hơn là thua Man City. Và đối với chủ tịch Nasser Al-Khelaifi, việc bị loại tại tứ kết Champions League mùa 2015/16 ở “Golfico” đầu tiên trong lịch sử được coi là một nỗi nhục nhã. Đó là lý do vì sao PSG sẵn sàng sa thải Laurent Blanc vào cuối tháng 6/2016, dù vừa gia hạn hợp đồng với ông trước đó vài tháng.
Và trước đây, PSG không phải lúc nào cũng đồng tình với cách tiếp cận của Man City, đặc biệt là về vấn đề thành lập Super League vào tháng 4/2021. Một giải đấu mà đội bóng Pháp phản đối, còn Man City là 1 trong 12 thành viên sáng lập.
Về mặt công bằng tài chính, khi cả hai CLB – có ngân sách tương đương, khoảng 800 triệu euro – cùng lọt vào tầm ngắm của UEFA, thì Paris đã chọn hợp tác, trong khi City đấu tranh với trường hợp này. Tại Anh, The Citizens cũng đang phải đối mặt với 115 cáo buộc gian lận, vi phạm quy tắc tài chính của Premier League. Tại Pháp, PSG luôn “làm đẹp” hồ sơ và tránh mọi rắc rối.
Ngày nay, quan hệ giữa đôi bên đã dần trở nên bình thường hóa. GĐĐH của Man City, Ferran Soriano đã được bổ nhiệm vào ban giám đốc của Hiệp hội CLB Châu Âu (ECA) do Al-Khelaifi làm chủ tịch. Một dấu hiệu của sự xích lại gần nhau giữa hai đối thủ, ít nhất là trong một số trường hợp cụ thể.
Và rạng sáng 23/1, PSG hay Man City sẽ giành chiến thắng tại sân Công viên các Hoàng tử để chiếm ưu thế cho chiếc vé vào vòng play-off?