Nguyễn Thùy Linh, trưởng thành từ những chuyến đi một mình

53 lượt xem




 

Nữ vận động viên sinh năm 1997 khẳng định như vậy. Cô luôn chỉ có một mình trong những chuyến du đấu nước ngoài dài ngày, nhưng hoàn toàn không phải bị “bỏ rơi” như nhiều người tưởng. 

“1 năm mình thi đấu khoảng 20 giải quốc tế, nên không đủ kinh phí cho huấn luyện viên, chuyên gia, bác sĩ đi cùng. Mình nghĩ rằng tất cả mọi người đã chấp nhận hy sinh, ở nhà theo dõi mình thi đấu để dồn kinh phí cho mình đến được Olympic”, Thùy Linh chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Mansion Sports Việt Nam. “Linh không bao giờ cảm thấy cô đơn. Mình biết vẫn có rất nhiều người dõi theo mình từ phía sau và mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi cả. Ngoài ra, các bạn ở nước ngoài nhìn vào sẽ càng nể mình hơn”.

Tay vợt nữ số 1 Việt Nam tự cho rằng bản thân may mắn. Trong suốt sự nghiệp theo đuổi bộ môn thể thao nặng tính cá nhân, cô luôn nhận được sự ủng hộ, như thể tất cả mọi người xung quanh dành hết những gì tốt nhất cho Thùy Linh. Và cô trân trọng điều đó.

“Mình là một trong những vận động viên rất may mắn. Trong suốt quãng thời gian 1 năm qua, mình thi đấu liên tục đến hơn 20 giải đấu thì đều được hỗ trợ rất nhiều. Nhà nước, câu lạc bộ, các nhà tài trợ chung tay để cho mình có thể đi thi những giải đấu quốc tế một cách thoải mái nhất. Mình may mắn vì chưa bao giờ phải suy nghĩ về vấn đề kinh phí khi thi đấu tích điểm đến Olympic cả”, Thùy Linh nói.


 

Khó khăn trong cuộc sống luôn là cơ hội để mỗi người tự hoàn thiện bản thân. Thùy Linh đón nhận những thử thách bằng suy nghĩ tích cực như vậy. Những chuyến du đấu một mình đầy vất vả cũng chính là xúc tác để tay vợt này trưởng thành

“Có những lúc mình cảm thấy bản thân bị quá tải khi phải cáng đáng quá nhiều thứ”, tay vợt 27 tuổi chia sẻ. Mỗi chuyến đi như vậy Thùy Linh ít nhất phải sắm ba vai: Vận động viên, huấn luyện viên và trưởng đoàn. Dù thế, mình luôn suy nghĩ tích tích cực. Mình gạt những thứ ngoài lề đi để tập trung vào thi đấu. Phải đi tiếp chặng đường của mình, đó mới là điều quan trọng.

Mình thấy bản thân đã trưởng thành hơn khi có thể tự làm mọi thứ, cảm thấy tất cả những trải nghiệm đều quý giá”, Thùy Linh nói.

Cô nàng sinh năm 1997 tự nhận bản thân là người biết cách bước lên từ những cú vấp. Mỗi thử thách gặp phải là một động lực để Thùy Linh nâng cấp chính mình, thích nghi và vượt qua. Gần đây nhất là chuyện học ngoại ngữ.

“Mình dành 30 phút mỗi tối để học tiếng Anh. Mình cũng biết một chút tiếng Trung nữa. Vì vậy, vấn đề giao tiếp không khó quá trong những lần đơn độc đi du đấu ở nước ngoài. Trước đây, do thi đấu rất nhiều nên mình hơi lười khi nghĩ đến việc tiếp nhận thứ gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, dần dần mình hiểu ra rằng học bất cứ thứ gì không bao giờ là thừa. Có ngoại ngữ thì mới tự tin giao tiếp, học hỏi thêm nhiều thứ khác”, Thùy Linh tiết lộ.

Tháng 8 tới, Thùy Linh sẽ tranh tài tại Olympic Paris 2024 – kỳ Thế vận hội thứ hai trong sự nghiệp của cô. 3 năm kể từ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021) là khoảng thời gian đủ để Thuỳ Linh nâng cấp đáng kể bản thân. Cùng chờ xem Thùy Linh phiên bản trưởng thành, hoàn thiện hơn ở tuổi 27 có thể vượt qua thành tích 2 trận thắng như đã từng làm được ở Nhật Bản hay không.


 

Nguyễn Thùy Linh là một trong 16 vận động viên Việt Nam có suất tham dự Olympic Paris 2024. Thế vận hội là đấu trường lớn nhất thế giới, thế nhưng trong suy nghĩ của Nguyễn Thùy Linh, sân chơi này không khó bằng… SEA Games. Thùy Linh cho rằng riêng với môn cầu lông, thi đấu ở Đông Nam Á mới là khó nhất.

“Đông Nam Á có những cường quốc về cầu lông (Indonesia, Thái Lan). Vì vậy, đánh ở SEA Games không hề dễ dàng”, Thùy Linh chia sẻ. “Ở các giải quốc tế khác, mình có phần thoải mái hơn vì sự mong chờ ít hơn. Điều đó dẫn đến thành tích của mình ở các giải đó thường tốt hơn. Thật sự là mình chịu áp lực rất nhiều khi thi đấu tại SEA Games. Tất nhiên mình khao khát đạt được thành tích tốt, mang vinh quang về cho đất nước. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến cho mình có tâm lý không thật sự thoải mái”.

Ở kỳ Thế vận hội lần trước, Thùy Linh thắng 2 trận trước khi thua tay vợt số 2 thế giới là Tai Tzu-ying. Do thể thức chỉ có người đứng đầu bảng đi tiếp, Thùy Linh ngậm ngùi dừng bước.

“Không thể đi sâu hơn khiến mình khá là tiếc nuối. Nhưng đối thủ của mình ở vòng bảng khi ấy là tay vợt số 2 thế giới quá mạnh. Mình thấy vui nhiều hơn vì đã thi đấu hết sức, đã học hỏi được rất nhiều từ trận đấu đó.

Sau giải đấu, mình thêm tự tin rằng bản thân có năng lực để có thể tiến xa hơn. Minh chứng cho điều này là trong suốt khoảng thời gian 3 năm qua, mình đã phấn đấu rất nhiều và đạt thứ hạng cao nhất của cá nhân là vị trí thứ 20 thế giới”, Thùy Linh tâm sự.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Video nổi bật+ Xem tất cả

Tin mới hơn