Điểm tích cực hiếm hoi với Arsenal là vào cuối trận, họ đã đón chào màn tái xuất của tiền vệ đội trưởng Martin Odegaard sau quãng thời gian khá dài anh phải ngồi ngoài vì chấn thương. Tuy nhiên, liệu sự trở lại này của tuyển thủ Na Uy có là một cứu cánh cho Pháo thủ? Đáp án sẽ có khi chúng ta mổ xẻ vấn đề hiện tại của Arsenal.
Đầu tiên cần khẳng định, đội bóng của Arteta rõ ràng đã thiếu may mắn trong các tình huống đòi phạt đền ở hiệp 1 trong trận thua Inter Milan tại Champions League mới đây. Ở một pha bóng, thủ thành Yann Sommer phía đội chủ nhà đã lao ra phá bóng nhưng lại đấm vào đầu Mikel Merino. Thực sự, đó là một cú đấm rất đẹp, thẳng vào đầu Merino, và khiến tiền vệ của Arsenal ngã xuống.
Trọng tài chính vẫn cho trận đấu tiếp tục, và sau khi VAR vào cuộc xem lại tình huống, Sommer không phạm lỗi và Inter Milan cũng không phải chịu phạt đền bởi lý do đơn giản, “người gác đền” 35 tuổi đang làm đúng nhiệm vụ của một thủ môn.
Vài phút sau, khi tỷ số vẫn đang hòa 0-0, Inter Milan được trọng tài cho hưởng 11 mét do Merino để bóng chạm tay trong khu cấm địa. Đây là một quyết định chính xác bởi bóng chạm tay Merino rõ như ban ngày. Dù vậy, công bằng mà nói, đây là một quy tắc cần phải thay đổi. Tiền vệ 28 tuổi ở quá gần đối phương và cánh tay chỉ đơn giản là ở đó, theo phản xạ tự nhiên.
Phạt đền được trao cho Inter Milan với lỗi cơ bản là vì… có tay. Nếu chiếu theo quy định của Premier League, Arsenal có thể sẽ không bị thổi penalty ở pha bóng này do cự ly quá gần, khiến Merino gần như không kịp phản ứng, cụ thể ở đây là hành động rụt tay lại. Các giải đấu tại châu Âu chưa có yếu tố điều chỉnh như vậy nên Arsenal chịu thiệt.
Hakan Calhanoglu thực hiện thành công quả 11 mét cho Inter Milan, và kể từ đó, Arsenal dường như luôn ở thế thua trong trận cầu này, ngay cả khi họ tỏ ra áp đảo về thời lượng kiểm soát bóng, sức ép lẫn số lần dứt điểm. Tất cả càng khiến Pháo thủ trở nên bất phục hơn, củng cố niềm tin về việc họ đang bị nhiều “thế lực hắc ám” chống lại.
Arsenal đang đi trên con đường đầy khó khăn. Thất bại này khiến họ chỉ thu về 2 chiến thắng trong 6 trận gần nhất. Trên sân khách, ngoài bàn thắng của Gabriel trước Man City tại Etihad hồi cuối tháng 9, Arsenal chưa ghi bàn trước bất kỳ đối thủ nào ngoài Preston.
Đây có phải là do vận rủi? Hay là do một thế lực mờ ám nào đó chi phối? Sự thật là tập thể Arsenal này vẫn cho thấy những phẩm chất tốt nhất của mình, từ sức mạnh phòng ngự, tinh thần chiến đấu cho đến sự thoải mái khi cầm bóng. Nhưng, họ rõ ràng cũng đã chững lại, thậm chí, thụt lùi trên mặt trận tấn công. Arsenal phụ thuộc quá nhiều vào Bukayo Saka – điều mà không đội bóng lớn nào trong những năm gần đây mắc phải với một cầu thủ tấn công duy nhất.
Dù là một cầu thủ chạy cánh phải xuất sắc, song phạm vi di chuyển của Saka hẹp và tập trung, chứ không mang tính sáng tạo trải rộng khắp sân. Chỉ cần khóa chặt một kênh di chuyển hẹp là đối thủ về cơ bản đã ngăn chặn thành công Arsenal trong các đợt tấn công từ bóng sống. Đây là một sự thiếu sót về tư duy tấn công, cũng như một thất bại trong công tác chuyển nhượng của CLB.
Arsenal vẫn chơi tốt ở Giuseppe Meazza. Họ đã tăng tốc ngay từ đầu hiệp hai và suýt nữa đã có bàn gỡ hòa. Kai Havertz bỏ lỡ một cơ hội của một tiền đạo săn bàn thực thụ. Liệu đây có phải là vận đen? Havertz không phải là mẫu tiền đạo chớp thời cơ. Anh sẽ còn bỏ lỡ những cơ hội như vậy. Đội hình hiện tại của Arsenal thiếu một “sát thủ” chuyên biệt, một cầu thủ biết cách giải quyết nhanh chóng, có thể định đoạt chiến thắng trong một trận đấu khó khăn.
Gần đây, Arsenal được cho đang tiến gần đến phong cách tiêu cực của Jose Mourinho. Pháo thủ chắc chắn không muốn đi theo con đường này. Họ chỉ đơn giản là đã mất đi sự mạch lạc, mà nguyên nhân lớn là do thiếu một cầu thủ chủ chốt: Martin Odegaard.
Thiếu Odegaard, Arsenal không có cầu thủ nào tương tự để thay thế, không có người dẫn dắt và liên kết lối chơi. Trong khi đó, bên cánh đối diện với Saka, Gabriel Martinelli chủ yếu là một cầu thủ chạy cánh đơn thuần, liên tục chạy lên chạy xuống sát đường biên như đang thực hiện các bài chạy nước rút, chứ không hẳn là một cầu thủ chơi bóng.
Sự thiếu sắc bén này gây ra một cảm giác khó chịu. Arsenal cầm bóng trong hiệp hai với một mâu thuẫn kỳ lạ: vừa khẩn trương nhưng cũng đầy mơ hồ. Pháo thủ có lẽ vẫn sẽ giành suất đi tiếp, dù có thể không có vé trực tiếp vào vòng 1/8. Tuy nhiên, có những vấn đề về cấu trúc trong đội hình mà sự trở lại của một cá nhân, cụ thể là Odegaard, không thể giải quyết triệt để.
Việc Odegaard tái xuất đáng mừng đấy, song nỗi lo vẫn đang bao trùm Arsenal.