Supachok thật ra cũng đáng khen

7 lượt xem

Toàn bộ khán giả Thái Lan, BHL và cầu thủ ĐT Thái Lan đã ăn mừng bàn thắng của Supachok

Nói gì thì nói, phải công nhận cú sút của Supachok đẹp và hoàn hảo. Từ khoảng cách hơn 30 mét, nhận bóng xong, chỉ cần quay người và không cần ngắm chỉnh, Supachok tung chân với một lực vừa phải, khiến bóng lao theo một quỹ đạo đường cong găm thẳng vào lưới, không cho Đình Triệu bất cứ một cơ hội nào. 

Rõ ràng, đội hình Việt Nam này không có ai thực hiện được cú sút như thế, thậm chí bảo Ronaldo hay Messi thực hiện ngay lúc này có khi cũng lắc đầu: Mình chịu thua. Kỹ thuật sút bóng của Supachok, chính vì thế, xứng đáng được coi là bậc thượng thừa trong khu vực Đông Nam Á này rồi. 

Tuy nhiên, càng đẹp thì bàn thắng đó càng bị “chửi” vì vẻ đẹp của nó tương phản với sự gớm ghiếc của tình huống đã tạo ra nó, của thái độ tập thể đón nhận nó. Đành rằng, mục tiêu lớn nhất của bóng đá là giành chiến thắng vì màu cờ sắc áo, nhưng không phải vì thế mà bất chấp thủ đoạn, phương tiện để đạt được điều đó. 

Bởi vinh quang cho dân tộc cũng nằm dưới lăng kính “môn thể thao đẹp” mà toàn thế giới nhìn vào. Tinh thần này lớn hơn rất nhiều tinh thần cống hiến vì màu cờ sắc áo, thế nên lá cờ “My game is fair play – Trận đấu của tôi là cao thượng” mới được rước ra trước quốc kỳ của các ĐTQG. 

Là cờ “Fair Play” là tinh thần cao nhất của thể thao, của bóng đá cho dù nó không đem về vinh quang, danh hiệu hay vật chất cho các đội bóng, cho các cầu thủ. Càng ở các đấu trường mang tính quốc tế, thì càng phải phất cao lá cờ đó, vì đó là quốc thể, là danh dự quốc gia, là “Nghĩ mình thể diện quốc gia. quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Bàn thắng bẩn của Supachok đã khiến trận đấu bị gián đoạn hơn 10 phút

Khi đó mọi hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, cách ứng xử, thái độ thi đấu mà cầu thủ và BHL đội bóng thể hiện đều là đại diện cho đất nước, dân tộc ở sân chơi quốc tế, có thể gây ra thảm họa “quốc nhục” hay làm vẻ vang “quốc thể”. Thế nên, lá cờ Fair Play đại diện cho trình độ văn hóa và phẩm chất dân tộc. 

Bàn thắng của Supachok xuất phát từ pha ném bóng ra biên của thủ môn Đình Triệu, nhằm tạo gián đoạn để bác sĩ vào chữa thương cho đồng đội. Đáng lẽ theo tinh thần của lá cờ đó, các cầu thủ Thái Lan phải ném trả bóng cho ĐT Việt Nam. Nhưng không, họ lại đưa bóng đến chân Supachok, để cầu thủ này ghi bàn thắng san bằng tổng tỉ số 3-3 của hai lượt trận chung kết. 

Bàn thắng này quá đẹp và hợp lệ thể thao, ngoại trừ một thứ nó xâm phạm: Lá cờ Fair Play và tinh thần cao thượng. Nếu không, trọng tài chính người Hàn Quốc đâu có mất cả chục phút đồng hồ để thuyết phục các cầu thủ và BHL Thái Lan hãy tạo điều kiện để cầu thủ Việt Nam ghi bàn như một cách để “trả lại” bàn thắng đó.

Trong ánh mắt nhìn của vị trọng tài này, chúng ta nhìn thấy một sự bối rối cho một hành vi lệch chuẩn đạo đức. Nó không bẩn thỉu đến mức có thể phạt thẻ đỏ như hành vi dùng tay cản bàn thắng của Luis Suarez tại World Cup 2010, khiến ĐT Ghana bị loại một cách oan ức. 

Supachok thực sự là một cầu thủ đáng khen ngợi vì lòng dũng cảm

Bàn thắng của Supachok không bẩn về luật lệ nhưng bẩn về tinh thần và đạo đức, và với những sự bẩn thỉu này, chỉ có tòa án lương tâm xét xử mà thôi. Chính vì vậy mà trọng tài chính bối rối, bối rối với các cầu thủ Việt Nam, bối rối với thái độ của ĐT Thái Lan, bối rối với chính quyết định của HLV Ishii, người đáng lẽ nếu có một chút đạo đức của một Samurai thì đã phải dùng thanh Tanto để làm lễ seppuku rửa nhục.

Có thể, ĐT Thái Lan vào thời điểm đó cũng hoảng loạn vì sợ thua trận, cho dù họ chỉ cần ghi 1 bàn thắng, cho dù quân bài chủ lực Xuân Son của ĐT Việt Nam đã bị gãy chân. Thế nhưng, họ đã chọn cách an toàn nhất là bảo vệ bàn thắng bẩn thỉu bị khắp nơi chê trách, để rồi sau đó đối mặt với làn sóng chỉ trích chưa từng có cả về hình ảnh, danh tiếng của nền bóng đá cũng như đạo đức của từng cầu thủ. 

Dù sao, cũng cần phải khen ngợi Supachok, không phải vì bàn thắng quá đẹp của anh mà vì sự dũng cảm vì màu cờ sắc áo. Vì nó mà anh ta không ngại chớp cơ hội ghi bàn thắng làm vấy bẩn cả một nền bóng đá. Không một con người cao thượng nào có thể “dũng cảm” như thế!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Video nổi bật+ Xem tất cả

Tin mới hơn