Thất bại là điều tốt cho Man United

3 lượt xem

Rất nhiều HLV đã được sử dụng tại MU sau khi Sir Alex giải nghệ, nhưng không ai thực sự thành công

Khi chúng ta ngắm nhìn một ngôi nhà, quán cafe hay một công trình được dựng lên giữa nền trời, phố phường, đó sẽ chỉ có đánh giá đẹp và không đẹp. Tuy nhiên cái đẹp đó được hình thành từ một cái xấu, cái thô kệch nằm dưới nền đất sâu chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó: nền móng. Tất cả các công trình đều được dựng xây bắt đầu từ nền móng đi lên, và nền móng chính là điều quan trọng nhất của một công trình, một con người, hay một đội bóng. 

Suốt hơn 10 năm qua, Man United chỉ đi sơn phết lại các bức tường, thấy chỗ nào thủng thì trám vá vào. Các huấn luyên viên của Man United suốt thời gian đó như Erik ten Hag, David Moyes, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer… đều thực hiện theo yêu cầu của giới chủ phải có thành công cấp kỳ. 

Điều này buộc họ phải cầm thùng sơn lên để sơn dặm lại cho hình hài Man United được đẹp. Nhưng họ không biết rằng nền móng của Man United đã mục ruỗng, cho nên ngôi nhà có sơn bao nhiêu màu, thì khi mưa gió xuống lại rung lắc, rơi rụng các lớp sơn và lòi ra các vết nứt. 

Đó cũng như việc bỏ cả tỷ bảng mua về bao nhiêu ngôi sao hào nhoáng để đi trám vá, thiếu chỗ nào đắp chỗ đó, thì kết cục chỉ sau vài trận lại thua tan nát. 

Chúng ta hay tự hỏi rằng tại sao cầu thủ nào đá hay mà cứ về MU là tậm tịt, và rời MU thì lại tỏa sáng rực rỡ trở lại? Thực ra họ cũng như các nước sơn kia thôi. Sơn có chất lượng bao nhiêu mà kết cấu bên trong, hình hài bên trong xấu xí thì hy vọng gì có thể tạo ra cái đẹp bền vững. 

Amorim cần nhận được sự tin tưởng để có thể đập đi xây lại cả đôi bóng

Trong những HLV kế vị Sir Alex Ferguson mà Man United tuyển dụng, có lẽ chỉ có một người biết xây nền móng, đó là HLV Louis van Gaal. Bậc thầy người Hà Lan là ông trùm đào tạo trẻ, xây dựng đội bóng, và được sánh ngang với Johan Cruyff ở lĩnh vực huấn luyện tại quê hương của vùng đất thấp. Nhưng ông thất bại thảm hại tại MU chỉ sau gần 2 năm tại vị. 

Bị buộc tội tạo ra lối đá buồn ngủ, nhàm chán dẫn đến ngài “Tu-líp thép” phải ra đi trong bẽ bàng. Di sản ông để lại chính là Marcus Rashford, Jesse Lingard, McNair hay Pereira, cùng danh hiệu đầu tiên sau thời Sir Alex. Bây giờ khi liệt kê ra thì ta mới thấy được giá trị của ngài “Tu-líp thép”. Nhưng lúc ấy, ai cũng bận chỉ trích và nghĩ rằng sa thải là đúng. 

HLV Ruben Amorim đã đến MU với sứ mệnh phục dựng lại một di sản. Tất nhiên đã nhắc đến từ “di sản” thì bạn phải hiểu đó là một công trình cũ kỹ. Hệ thống cột kèo đã mục ruỗng, bị mối gặm, và không thể sửa chữa. Cái mà Ruben Amorim làm chính là phải đập đi xây lại từ đầu một Man United đã chỉ còn lịch sử để ngắm nghía. 

Việc Ruben Amorim lựa chọn sơ đồ 3-4-3 cho Man United là một minh chứng rõ ràng cho việc đập đi xây lại này. Kết quả Amorim đã không giống như nhiều HLV khác vừa lên cái là thắng ầm ầm, rồi sau đó sơn bong ra và thua tàn tạ. Ông thua nhiều hơn thắng, nhưng đáng để thử.

Phải! Nước đi này mạo hiểm, nhưng tại sao lại không dám thử khi mà trước đó các đáp án đều sai hả Man United?

Video nổi bật+ Xem tất cả

Tin mới hơn